Bảo dưỡng định kỳ thiết bị kiểm tra hạt từ tính

Việc dưỡng thường xuyên thiết bị kiểm tra hạt từ là rất quan trọng trong kiểm tra không phá hủy nhằm đảm bảo an toàn cũng như giảm thời gian ngừng hoạt động do hỏng hóc.

Cũng giống như thay dầu ô tô, chăm sóc phòng ngừa định kỳ có chi phí thấp và dễ dàng để tận dụng tối đa hiệu suất của hệ thống kiểm tra hạt từ và đảm bảo thiết bị hoạt động bền lâu hơn. Bảo dưỡng không thể ngăn chặn được hết các vấn đề có thể xảy ra, nhưng nếu bạn không bao giờ tháo tấm lọc gió của máy ra để kiểm tra quạt làm mát hoặc để thổi sạch bụi bẩn khỏi bộ chỉnh lưu thì về lâu dài, máy của bạn sẽ gặp vấn đề, giống như một chiếc ô tô không được bảo dưỡng trong nhiều năm.

Một trong những lý do khiến nhiều chuyên gia NDT không chú ý nhiều đến việc bảo trì thiết bị là do họ coi các tiêu chuẩn như ASTM E1444 là hướng dẫn vận hành thay vì yêu cầu tối thiểu. Mặc dù bạn vẫn thường xuyên hiệu chỉnh đồng hồ đo để đảm bảo độ chính xác, kiểm tra bộ đặt giờ chụp và xác minh độ lặp lại đầu ra, nhưng điều này không đủ để giữ cho thiết bị tạo từ trường của bạn đạt hiệu suất cao nhất.

Tôi đã thấy nhiều lần ampe kế trên máy được hiệu chỉnh chính xác, trong phạm vi dung sai cao hơn nhiều so với yêu cầu của thông số kỹ thuật, nhưng dạng sóng mà thiết bị tạo ra (chịu trách nhiệm từ hóa các chi tiết) lại không chính xác. Trong những trường hợp này, các đơn vị biết dòng điện được áp dụng cho bộ phận đó, nhưng họ không biết liệu các bộ phận đó đã được từ hóa đủ hay chính xác hay chưa.

Tin vui là ngay cả khi bạn không duy trì chương trình bảo dưỡng thường xuyên, bạn vẫn có thể bắt đầu thực hiện các bước kiểm tra đơn giản.

Bảo trì thiết bị cơ bản

Kiểm tra hiệu suất hàng ngày.

Hàng ngày, người vận hành phải thực hiện kiểm tra trực quan các bộ phận bên ngoài của thiết bị hạt từ tính. Một số thành phần cần chú ý là dây hoặc cáp bị mòn và lỏng lẻo trên ống dẫn và khớp nối.

  • Mức nước dung dịch từ: Đảm bảo nước ở bồn ở mức phù hợp, thêm dung dịch nếu cần.
  • Nồng độ hạt: Kiểm tra nồng độ hạt bằng ống ly tâm.
  • Kết nối cáp và các thanh cái: Kiểm tra các kết nối cuộn dây, ụ đầu, ụ đuôi và các kết nối cáp, siết chặt nếu cần thiết. Kiểm tra dây và cáp xem có bị mòn hoặc sờn, cách điện kém không.
  • Kẹp ụ đầu: Kiểm tra thao tác kẹp ụ trước để đảm bảo nó được kẹp chắc chắn.
  • Thiết bị khóa: Kiểm tra ụ sau và khóa để đảm bảo chúng khóa an toàn.
  • Rò rỉ (bồn dung dịch): Kiểm tra bồn chứa, ống và vòi phun xem có rò rỉ không.
  • Rò rỉ (khí nén): Kiểm tra xi lanh khí, phụ kiện, ống dẫn, bộ điều chỉnh không khí và van tốc độ xem có rò rỉ không.
  • Đèn báo nguồn: Kiểm tra xem đèn báo có sáng khi cấp nguồn cho thiết bị kiểm tra hay không.
  • Nút bấm: Kiểm tra các nút bấm xem có hoạt động tốt không. Các nút bấm có đèn mờ khi tắt và sáng khi bật.
  • Ampe kế kỹ thuật số và chỉ báo đảm bảo dòng điện: Kiểm tra hoạt động của chỉ báo đảm bảo dòng điện và chỉ báo ampe kế.
  • Đèn UV: Kiểm tra bộ lọc hoặc đèn có bị thiếu hoặc hỏng hay không. Kiểm tra dây dẫn.
  • Rèm: Sửa chữa những vết rách nhỏ bằng băng keo điện nhựa màu đen.

Bảo trì vận hành hàng tuần

Mỗi tuần một lần, người vận hành nên làm sạch các miếng đệm hoặc tấm tiếp xúc và làm sạch hệ thống máy bơm. Làm sạch các mảnh vụn ra khỏi bể và thay bồn dung dịch thường xuyên giúp việc kiểm tra có kết quả tin cậy.

  • Miếng đệm tiếp xúc và tấm tiếp xúc: Nếu đã tiếp xúc với dung dịch, hãy loại bỏ lớp oxy hóa khỏi miếng tiếp xúc và tấm tiếp xúc. Sử dụng bàn chải dây thép.
  • Ngắt lỗi tiếp đất: Kiểm tra hoạt động bình thường của đèn UV.
  • Máy bơm: Làm sạch màn chắn bể chứa để tránh thất thoát dòng chảy từ máy bơm.

Bảo trì vận hành hàng tháng

Hàng tháng người vận hành nên kiểm tra, vệ sinh bình chứa, quạt và lọc gió nếu cần thiết. Đôi khi, bảo trì phòng ngừa có thể mang tính chất “phòng ngừa” hơn tùy thuộc vào môi trường đặt thiết bị. Ví dụ: các xưởng đúc và cơ sở có không khí dính dầu mỡ cần phải kiểm tra máy thường xuyên hơn để giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động. Mặc dù các thiết bị có thể có các tính năng chuẩn đoán phát hiện các khuyết tật do các hạt từ, nhưng không khí có bụi dầu mỡ kết hợp với các hạt từ thường làm giảm tuổi thọ của các linh kiện bên trong thiết bị.

  • Bể chứa và lưới: Kiểm tra và làm sạch nếu cần thiết. Sau khi làm sạch, xả sạch bể và lưới bằng dung dịch thích hợp.
  • Quạt: Lắng nghe hoạt động của quạt và kiểm tra luồng không khí xem có bị yếu không.
  • Bộ lọc không khí: Làm sạch lõi lọc không khí.
  • Phốt bơm: Kiểm tra tình trạng hư hỏng và mài mòn. Tìm chỗ rò rỉ chất lỏng xung quanh/gần trục máy bơm/động cơ

Bảo trì thiết bị nâng cao

Mặc dù hầu hết công việc bảo trì phòng ngừa đều đơn giản và dễ dàng tự thực hiện, nhưng có những cuộc kiểm tra bảo trì nâng cao định kỳ mà bạn sẽ muốn nhờ chuyên gia bảo trì đã qua đào tạo. Ví dụ: thật đơn giản để một kỹ thuật viên được đào tạo xác minh cấu trúc dạng sóng trước khi hiệu chỉnh máy, nhưng hầu hết các công ty không có thiết bị hoặc chuyên môn để tự thực hiện phân tích này. Ngoài ra, các kỹ thuật viên sẽ có thể giải quyết vấn đề một cách chính xác nếu họ phát hiện vấn đề trong quá trình bảo trì.

  • Chỉnh lưu: Thổi sạch bụi bẩn tích tụ từ tản nhiệt và cánh quạt của bộ chỉnh lưu. Không sử dụng dung môi làm sạch.
  • Dây bảng điều khiển: Kiểm tra dây điện xem có bị đổi màu hoặc cháy lớp cách điện không và các đầu nối có an toàn không.
  • Hệ thống dây điện phía dưới: Kiểm tra hệ thống dây điện xem có bị đổi màu hoặc cháy lớp cách điện hay không và các đầu nối có chắc chắn không.
  • Máy biến áp: Kiểm tra máy biến áp xem có bị đổi màu và có mùi khét không.
  • Kết nối: Kiểm tra và siết chặt tất cả các kết nối, thanh cái, cáp và dây điện.
  • Bể chứa và hệ thống ống nước: Kiểm tra rò rỉ.
  • Quạt: Kiểm tra xem (các) quạt làm mát có quay tự do không.
  • Ampe kế: Kiểm tra độ chính xác 6 tháng một lần.

Mục đích chung của bảo trì phòng ngừa là đảm bảo thiết bị từ của bạn đạt hiệu suất cao nhất và thực hiện công việc được thiết kế. Các khách hàng thường gọi khi máy có sự cố và thường không thực hiện bất kỳ hoạt động bảo trì nào đối với thiết bị trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trong một số trường hợp!

Bảo trì phòng ngừa không phải là việc làm một lần mà là một quá trình liên tục. Tần suất cần thực hiện sẽ khác nhau tùy theo từng thiết bị dựa trên tần suất sử dụng và loại bộ phận được kiểm tra, bộ phận càng quan trọng thì việc bảo trì càng cần thực hiện thường xuyên.

Để lại một bình luận

This site uses User Verification plugin to reduce spam. See how your comment data is processed.