An toàn là yếu tố luôn cần được chú ý với các kỹ thuật viên NDT – chúng tôi xin nêu ra các mối nguy hiểm cũng như các lưu ý khi lưu trữ, tái chế và vận chuyển bình xịt NDT.
Mối nguy hiểm
An toàn phải được đặt lên hàng đầu khi làm việc với bình xịt. Cho dù bình xịt được sử dụng ở trong nhà hay ngoài công trường, chẳng hạn như với đường ống dẫn dầu, việc xử lý bình xịt an toàn luôn cần được chú ý. Có ba mối nguy hiểm chính khi làm việc với bình xịt khí dung.
Áp suất bình xịt: Nếu lon và van vẫn còn nguyên vẹn, bình xịt vẫn an toàn. Tuy nhiên, nếu lon bị thủng, van bị hỏng, bị ăn mòn hoặc tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, lon sẽ bị giảm áp suất. Trong trường hợp nghiêm trọng, bình xịt thậm chí có thể phát nổ.
Bảng Dữ liệu An toàn (MSDS): Bạn có biết chi tiết những vật liệu gì có trong bình xịt không? Nhiều bình xịt chứa các chất độc hại và người sử dụng phải quen thuộc với dữ liệu MSDS của từng loại. Các hóa chất có thể yêu cầu trang bị bảo hộ cá nhân hoặc hệ thống thông gió bổ sung. MSDS thường được tìm thấy trên các trang web của nhà sản xuất; xem xét các mối nguy hiểm và chọn sản phẩm an toàn nhất.
Nguồn gây cháy: Nhiều sản phẩm và hóa chất NDT dễ bắt lửa, tạo ra nguy cơ cháy nổ từ bình xịt. Bạn đã xem xét vị trí bình xịt được phun chưa? Có nguồn phát lửa như đám cháy hoặc các công việc hàn gần đó không?
Lưu trữ và bảo quản
Bình xịt phải luôn được bảo quản ở những nơi khô ráo, giữ cho chúng không bị tiếp xúc với nhiệt độ quá cao. Khi nhiệt độ tăng, áp suất trong lon cũng sẽ tăng. Nội thất ô tô hoặc xe tải có thể trở nên rất nóng dưới ánh sáng mặt trời; do đó các phương tiện giao thông nói chung không phải là một vị trí an toàn để cất giữ các bình xịt.
Các lon khí dung nên để trong tủ đựng chất lỏng dễ cháy. Theo tiêu chuẩn của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) đối với chất lỏng dễ cháy, phải được giữ trong tủ bảo quản chống cháy hoặc trong phòng lưu trữ được xếp hạng về khả năng chống cháy. Tủ bảo quản được phê duyệt bao gồm các đầu nối nối đất tích hợp, lỗ thông hơi để duy trì nhiệt độ an toàn và cửa chống cháy lan.
Tái chế bình xịt
Các lon khí dung không còn chứa sản phẩm không được coi là chất thải nguy hại và có thể tái chế tùy thuộc vào thành phần của bình xịt và các quy định về chất thải địa phương. Tại Hoa Kỳ, theo Đạo luật Bảo tồn và Phục hồi Tài nguyên (RCRA), các hộp bình xịt đã được khử áp và rỗng không được coi là chất thải nguy hại nếu chúng không chứa bất kỳ hóa chất độc hại nào. Hầu hết các lon khí dung làm bằng thép hoặc nhôm đều có thể được tái chế, nhưng chỉ khi lon đã hết. Nếu lon không rỗng thì phải được xử lý như chất thải nguy hại theo quy định về chất thải của địa phương. Việc chọc thủng và đập dẹp lon bình xịt là cách thức hợp lý để đảm bảo về áp suất và chi phí tiêu hủy, nhưng chọc thủng một lon rỗng bằng một vật sắc nhọn như tuốc nơ vít có thể tạo ra nguồn đánh lửa tiềm ẩn từ nhiệt ma sát và tĩnh điện. Tuốc nơ vít tạo ra nhiệt ma sát với thân bằng thép hoặc nhôm của lon và có thể tạo ra tia lửa, đó là lý do tại sao nên sử dụng các dụng cụ chống tạo ra tia lửa, được nối đất đúng cách để làm thủng lon aerosol rỗng. Xem lại các quy định về chất thải nguy hại của địa phương để xác định xem các hộp bình xịt rỗng có thể được tái chế hay không.
Vận chuyển bình xịt
Khi vận chuyển các vật liệu nguy hiểm, nhân viên vận chuyển thường PHẢI có Chứng nhận HazMat. Bình xịt không thể được vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường biển trừ khi nhân viên vận chuyển có Chứng chỉ Hoàn thành Đào tạo phù hợp. Đối với vận tải hàng không, khóa đào tạo phải được thực hiện hai năm một lần. Đối với vận tải đường biển, khóa đào tạo phải được hoàn thành ba năm một lần.
Phương tiện vận chuyển | Số UN | Tên và loại vận chuyển thích hợp |
Đường bộ | N/A | Vật tư tiêu hao, số lượng có hạn |
Đường không | UN 1950 | Bình xịt, Dễ cháy, 2.1 Lưu ý: Bình xịt không có nhóm đóng gói được liên kết với UN1950 |
Đường biển | UN 1950 | Bình xịt, 2.1 (Số lượng có hạn) Lưu ý: Vận chuyển nội địa đến giao nhận cũng giống như vận chuyển đường bộ |
Số UN hoặc ID của LHQ là các số có bốn chữ số xác định hàng hóa nguy hiểm, chất độc hại và vật phẩm (như chất nổ, chất lỏng dễ cháy, chất độc hại, v.v.) trong khuôn khổ vận tải quốc tế. Chúng được chỉ định bởi Ủy ban chuyên gia của Liên hợp quốc về việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Như đã nêu ở trên, bất kỳ ai không được chứng nhận vận chuyển vật liệu nguy hiểm, không nên vận chuyển qua Đường hàng không hoặc Đường biển. Bạn phải được chứng nhận HazMat nếu không bạn có thể bị phạt!