Chương VII: Đầu dò sử dụng trong phương pháp dòng xoáy

VII.1. Giới thiệu chung:

Nói chung các đầu dò phương pháp dòng xoáy có thể phân loại theo các nguyên lý sau:

  • Mục đích sử dụng
  • Thiết kế
  • Phương pháp hoạt động
  • Kích thước Hội tụ

VII.2. Sử dụng đầu dò

2.1. Cuộn dây ngoài:

Các đầu dò dạng này chủ yếu sử dụng để kiểm tra chi tiết hình trụ như các thanh đặc hoặc ống.

Cũng có thể ứng dụng đầu dò dạng cuộn dây để kiểm tra các đầu các đinh tán.

2.2. Cuộn dây trong:

Các đầu dò dạng này chủ yếu sử dụng để kiểm tra bề mặt trong của các chi tiết dạng ống

2.3. Đầu dò bề mặt:

Các đầu dò dạng này sử dụng để kiểm tra bề mặt phẳng của chi tiết, hoặc kiểm tra những vị trí xác định trên bề mặt chi tiết có kích thước lớn. Công đoạn kiểm tra được thực hiện bằng cách dịch chuyển đầu dò trên bề mặt chi tiết. Kích thước đầu dò ứng với kích thước và chiều sâu khuyết tật cần phát hiện.

2.4. Đầu dò quay:

Các đầu dò dạng này chủ yếu sử dụng để kiểm tra bề mặt trong của các lỗ.

VII.3. Thiết kế

3.1. Đầu dò hai chức năng:

Chúng là những đầu dò có cuộn dây thực hiện cả hai chức năng phát – thu (tạo dòng điện xoáy, phát hiện các ảnh hưởng tới dòng điện xoáy khi khuyết tật xuất hiện)

3.2. Đầu dò với các chức năng riêng rẽ:

Chúng là những đầu dò có hai cuộn dây, một thực hiện chức năng phát và cuộn còn lại thực hiện chức năng thu.

Các đầu dò này chủ yếu dùng trong trường hợp chúng ta cần từ trường có mật độ cao. Ví dụ trong trường hợp kiểm tra với tần số thấp, độ nhạy thấp bởi mật độ thấp của dòng điện xoáy. Độ nhạy thấp đó có thể được cải thiện bằng cách tăng cường độ từ trường He. Sử dụng loại đầu dò này còn có ưu điểm ổn định về nhiệt hơn. Bên cạnh đó thiết kế đầu dò chức năng riêng rẽ còn cho phép ghép nhiều cuộn thu xung quanh cuộn dây phát.

VII.4. Phương pháp kiểm tra

4.1. Phương pháp tuyệt đối:

Phương pháp này cho phép đo hiệu quả đặc tính của chi tiết cần kiểm tra sau khi thiết bị đã được chuẩn theo mẫu đối chứng. Ví dụ thực tế của phương pháp đo này là đo độ dẫn điện, qua đó ta xác định giá trị tuyệt đối độ dẫn điện của vật liệu sau khi đã chuẩn theo mẫu đối chứng. Cho phép đo đó chúng ta sử dụng loại đầu dò hai chức năng. Phương pháp đo này còn dùng để phát hiện khuyết tật. Những khuyết tật phát hiện được là những khuyết tật phát triển. Có thể phát hiện sự phát triển của sự ăn mòn, những vùng quá nhiệt hoặc phát hiện sự thay đổi chậm về kích thước như sự thay đổi chậm của chiều dày lớp phủ.

4.2. Phương pháp vi sai:

Phương pháp này so sánh trực tiếp kết quả đo trên chi tiết kiểm tra và trên mẫu đối chứng. Chúng ta sử dụng đầu dò hai chức năng cho phương pháp này, ta có hai cách sắp xếp như sau:

  • Một cuộn dây đặt trên chi tiết cần kiểm tra, cuộn dây khác đặt ngay trên mẫu đối chứng. Đó là phép đo so sánh. Cách này chủ yếu sử dụng để chọn vật liệu
  • Cả hai cuộn dây đặt trực tiếp trên vật nhưng ở hai vị trí gần nhau.

Nguyên tắc chung là hai cuộn mắc nối tiếp với nhau nhưng ngược chiều nhau. Phương pháp này chủ yếu dùng để phát hiện khuyết tật trong sản phẩm. Nếu cả hai vị trí sát nhau đó của khuyết tật như nhau (không có khuyết tật), tín hiệu từ hai cuộn dây sẽ triệt tiêu lẫn nhau.

Đó là phương pháp đo vi sai. Phương pháp đo này chủ yếu dùng để phát hiện khuyết tật nhỏ.

Nó cho phép bỏ qua những sự thay đổi nhỏ (những thay đổi chậm của khe hở giữa đầu dò và chi tiết, kích thước chi tiết, độ dẫn điện…).Phương pháp này cũng thể hiện ưu điểm sự ổn định hơn về nhiệt so với phương pháp đo tuyệt đối. Tuy nhiên phương pháp này không thích hợp để phát hiện khuyết tật trên diện tích rộng. Phương pháp đo tuyệt đối được ưu tiên hơn.

Ghi chú:

Ghi chú 1: Nhiều khi chúng ta sử dụng đầu dò vi sai với tổng từ trường hoặc hiệu từ trường (cùng chiều hoặc ngược chiều). Tổng từ trường: đầu dò gồm hai cuộn dây được cuộn cùng chiều, từ trường cùng chiều. Nó có thể sử dụng cho phép đo so sánh. Hiệu từ trường: đầu dò gồm hai cuộn dây cuộn ngược chiều nhau, từ trường sẽ ngược nhau. Nó có thể sử dụng cho phép đo vi sai.

Ghi chú 2: Tín hiệu trong phép đo tuyệt đối và vi sai Hãy tưởng tượng rằng chúng ta dịch chuyển hai đầu dò tuyệt đối và vi sai trên bề mặt chi tiết có lớp phủ không dẫn điện với chiều dày thay đổi chậm (khuyết tật ở diện tích rộng) và có thêm vết nứt (khuyết tật nhỏ). Trong trường hợp đầu dò tuyệt đối, sự thay đổi trở kháng của đầu dò có thể biểu diễn trên sơ đồ như sau:

Trong trường hợp đầu dò vi sai không nhạy với sự thay đổi chậm chiều dày lớp phủ. Chỉ có vết nứt được phát hiện. Trong trường hợp đó tín hiệu có hình số 8, khi cả hai cuộn dây đều đi qua vết nứt. Khi đầu dò đã qua vết nứt, tín hiệu từ hai cuộn dây giống nhau nên triệt tiêu lẫn nhau.

Sự mở rộng tín hiệu hình số 8 phụ thuộc vào khoảng cách giữa hai cuộn dây so với kích thước của khuyết tật

VII.5. Hình dáng và kích thước

Hình dáng và kích thước đầu dò liên quan đến:

  • Hình dáng và kích thước của sản phẩm kiểm tra
  • Kích thước của khuyết tật cần phát hiện
  • Và cuối cùng là chiều sâu của khuyết tật cần phát hiện

Nguyên tắc chung, để phát hiện khuyết tật bề mặt (các vết nứt), độ phân giải của đầu dò càng lớn khi đầu dò càng nhỏ. Chúng ta cũng thừa nhận rằng đường kính của đầu dò bề mặt (hoặc chiều dài của ống dây) phải có cỡ kích thước của khuyết tật nhỏ nhất cần được phát hiện. Điều đó giải thích tại sao để phát hiện vết nứt trên chi tiết phẳng hoặc chi tiết có kích thước lớn, chúng ta sử dụng đầu dò nhỏ dạng bút chì có đường kính cuộn dây gần 1mm.

Mặt khác, trong trường hợp muốn phát hiện khuyết tật nằm sâu trong chi tiết, chúng ta sẽ sử dụng đầu dò bề mặt có đường kính lớn cho phép đạt được từ trường có mật độ lớn ở độ sâu dưới bề mặt.

VII.6. Hội tụ và tập trung

Để phát hiện khuyết tật rất nhỏ, chúng ta có thể muốn tăng độ nhạy của đầu dò, trong khi đó lại hạn chế sự lan tỏa của từ trường tạo bởi đầu dò. Điều đó có thể đạt được bằng cách sử dụng đầu dò hội tụ. Để tăng độ nhạy đầu dò, lõi sắt có độ từ thẩm cao được sử dụng (r đạt tới 1300) cho phép tăng từ thông tạo bởi cuộn dây. Sự hội tụ đạt được bằng cách sử dụng lõi hoặc cuộn dây có hình dạng thích hợp.

Bên cạnh đó, hội tụ bằng cốc ferrite cũng tạo ra ưu điểm cho đầu dò là giảm sự ảnh hưởng của vật liệu từ hay dòng điện chạy xung quanh gần đó. Chúng ta ghi nhận rằng trong một số trường hợp sử dụng đầu dò hội tụ tăng đáng kể khả năng phát hiện khuyết tật. Nó cho phép giảm hiệu ứng cạnh, tương ứng với ảnh hưởng của tín hiệu khi cạnh của chi tiết nằm trong vùng ảnh hưởng của đầu dò. Sử dụng đầu dò hội tụ cho phép phát hiện các khuyết tật nằm trên cạnh của chi tiết, hoặc nằm gần mặt phân cách giữa hai vật liệu khác nhau về tính chất.